Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả cơ sở và dịch vụ trên các đảo sẽ có lợi cho Trung Quốc, "những nước láng giềng cũng như chính các tàu trước nguy cơ gặp bão".Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua công bố kế hoạch chi tiết, thông báo việc cải tạo đất, xây dựng công trình tại quần đảo Trường Sa trên Biển Đông sẽ phục vụ nghiên cứu khoa học, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường và cung cấp dịch vụ nghề cá. Các cơ sở hỗ trợ điều hướng, trú ẩn, tìm kiếm và cứu hộ cũng đang được xây dựng.
"Họ đang cố gắng đặt ra sự hào nhoáng dân sự nhưng tôi nghĩ mọi người sẽ sớm nhìn thông suốt và hiểu (sự cải tạo đất) thực tế là gì", Reuters dẫn lời Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói.
Theo ông Storey, các công trình một khi hoàn thành sẽ giúp Trung Quốc không chỉ tăng cường sức mạnh quân sự mà còn thúc đẩy thăm dò dầu khí và đánh bắt cá trong khu vực. Và dường như Trung Quốc cũng không che giấu mục đích này khi cho rằng các đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa còn "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự" của Trung Quốc.
Điều này sẽ là mối lo ngại đối với tất cả các nước giáp Biển Đông "bất kể họ có tuyên bố chủ quyền hay không", ông Storey nói, đồng thời gọi đây là sự thay đổi lớn nhất nguyên trạng khu vực trong nhiều thập niên.
Chương trình cải tạo đất bao gồm xây dựng hai đường băng tại bãi đá Chữ Thập và Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cùng với các cảng, đê chắn sóng, cơ sở lưu trữ. Động thái này cho phép Trung Quốc có thể chiếm giữ Biển Đông một cách bao quát nhất, giới chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng tốc độ cải tạo đất ở Trường Sa cho thấy Trung Quốc đang tìm cách củng cố tính pháp lý cho những tuyên bố của Bắc Kinh trong khu vực sau khi Philippines đưa vụ việc lên Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ở Hague. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện này.
"Bằng cách thực hiện dự án cải tạo đất, Trung Quốc về cơ bản đang tìm cách phá hủy chứng cứ", chuyên gia Ian Storey nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.
Trong tuyên bố hôm qua Trung Quốc không chỉ rõ cơ quan nào bảo vệ những cơ sở nước này đang xây dựng nhưng giới chuyên gia cho rằng công việc trên sẽ do đội tuần duyên Trung Quốc, lực lượng đang dẫn đầu nỗ lực áp đặt tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tàu tuần duyên Trung Quốc thường xuyên bị các hạm đội nước khác phát hiện hoạt động sâu trong Biển Đông. Bắc Kinh năm ngoái tập hợp và mở rộng đội tàu hành pháp dân sự thuộc lực lượng tuần duyên, được các nhà phân tích hải quân Mỹ nhận định là lớn nhất thế giới. Những tàu này không có vũ khí, nhằm giảm rủi ro đụng độ ngoài tầm kiểm soát, nhưng chúng hiện diện cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Chuyên gia Ian Storey. Ảnh: ISEAS. |
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Proceedings số tháng 4 của Viện Hải quân Mỹ cho biết Trung Quốc đang sử dụng "tàu hành pháp như một công cụ trong chính sách ngoại giao".
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua cảnh báo việc cải tạo đất làm gia tăng lo ngại Trung Quốc có thể quân sự hóa các tiền đồn trên biển. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng quan ngại Trung Quốc dùng sức mạnh bắt nạt các nước nhỏ hơn ở Biển Đông.
Bonnie Glaser, nhà phân tích chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, trụ sở Washington, cho rằng giới chức Mỹ cần tìm chiến thuật mới để gây áp lực với Trung Quốc, ngăn xảy ra xung đột quân sự toàn diện.
"Họ cần tìm những cách thức mới nhằm ngăn Trung Quốc sử dụng những thực thể được cải tạo để ép buộc và đe dọa các nước láng giềng", Glaser nói.
Trong khi đó, Việt Nam đã nhiều lần phản đối việc Trung Quốc xây dựng, mở rộng công trình trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý cùng bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) đã được Trung Quốc ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002.
Như Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét