Mỗi năm thế giới đang lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực, tương đương với một phần ba sản lượng thực phẩm toàn cầu, báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) cho hay.
Tại các quốc gia phát triển và đang phát triển, lượng thực phẩm bị mất mát tương ứng với 670 và 630 triệu tấn, ước tính thiệt hại lần lượt tương đương với 680 tỷ và 310 tỷ USD.
Người dân Australia lãng phí hơn 4 triệu tấn lương thực mỗi năm, trung bình gần 1 tấn trên mỗi hộ gia đình. Mỹ sản xuất 180 triệu tấn thực phẩm hàng năm và khoảng 50 triệu tấn, nghĩa là gần 1/3 phải bỏ đi.
Các hộ gia đình Anh lang phí khoảng 6,7 triệu tấn lương thực mỗi năm. Điều này có nghĩa là khoảng 32% tổng lượng lương thực được mua mỗi năm không được dùng tới.
Trong khi đó, báo cáo của FAO cũng cho biết, cả thế giới đang phải đấu tranh để cung cấp đủ lương thực cho 7 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 9 tỷ trong năm 2050. Hiện tại, cứ 7 người thì có 1 người đói và hơn 20 ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết vì đói mỗi ngày.
Việc lãng phí lương thực do đó là lãng phí tài nguyên thiên nhiên và gây ra những tác động xấu về môi trường. Hơn nữa, việc lãng phí này còn là vấn đề về mặt đạo đức.
Một phần ba sản lượng lương thực thế giới đang bị lãng phí. Ảnh: UNEP. |
Chính vì những lý do trên, Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã quyết định chọn chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” (Think.Eat.Save) làm chủ đề cho Ngày Môi trường thế giới năm nay với mục đích khuyến khích mọi người trên toàn thế giới chú ý hơn đến những ảnh hưởng tới môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm, tránh lãng phí và lựa chọn những loại thực phẩm ít tác động tới môi trường. Chủ đề này cũng sẽ là một chiến dịch toàn cầu nhằm chống lại sự lãng phí thực phẩm trên toàn thế giới.
“Để hướng tới một tương lai bền vững, chúng ta cần thay đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, chúng tôi kêu gọi mọi người trên toàn thế giới cùng nỗ lực để nâng cao nhận thức và hành động thực tế ở gia đình, trên trang trại, trong các siêu thị, ở căng tin, trong khách sạn hoặc bất cứ nơi nào thực phẩm được tiêu thụ hằng ngày trong cuộc sống”, ông Achim Steiner, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Giám đốc điều hành UNEP khẳng định.
Các hoạt động quốc tế hưởng ứng sự kiện Ngày Môi trường thế giới 2013 sẽ được tổ chức tại Mông Cổ, một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Nhiều hoạt động tại Việt Nam hưởng ứng Ngày Môi trường
Tại Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và UBNN tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ phố hợp tổ chức nhiều hoạt động khác nhau nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2013 từ ngày 4-5/6/2013.
Các hoạt động chính sẽ được tổ chức bao gồm: Hội nghị tổng kết xây dựng và nhân rộng mô hình điểm khu dân cư bảo vệ môi trường, trao đổi kinh nghiệm xây dựng môi hình du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường, triển lãm tranh ảnh, các cuộc thi về môi trường,…
Lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới sẽ được tổ chức tại Nghinh Lương Đình bên bờ sông Hương, thành phố Huế vào sáng ngày 5/6. Tại đây, cũng sẽ diễn ra Lễ trao Giải thưởng môi trường Việt Nam năm 2013. Thông tin từ Bộ TN&MT cũng cho biết, cho tới thời điểm hiện tại, việc chấm giải cho các cá nhân tổ chức đã hoàn tất.
Lê Văn
Thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực mỗi năm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét