Được truyền vào cung đình Huế từ lâu, bánh ram ít trở thành đặc sản của xứ này.
Khi ăn bánh ta sẽ cảm nhận được cả vị dẻo của bột nếp, sự đậm đà của nhân tôm thịt của phần bánh ít bên trên và cái giòn rụm của phần bánh ram phía dưới.
Bánh ram ít có hai phần, bánh ram và bánh ít. Để làm bánh cần có đầy đủ các nguyên liệu sau đây tôm tươi, tôm chấy, thịt ba chỉ, bột nếp,...
Đầu tiên làm bánh, đổ bột nếp ra thau hoặc nồi, thêm một chút muối và dầu ăn cho vừa rồi trộn đều. Đun nước sôi để nguội tầm 60oC rồi đổ nước vào bột trộn đều đến khi nào bột dẻo, quện lại với nhau, không dính tay thì thôi.
Chia bột làm 2 phần, một phần bạn dùng để làm bánh ít, phần còn lại dùng làm bánh ram.
Phần bánh ram, nặn bột thành từng viên nhỏ, mỗi viên nhỏ bằng trái tắc (quất), ấn hơi dẹp xuống một chút. Sau đó lấy lá chuối đã rửa sạch thoa dầu ăn lên đó để chống dính rồi đặt từng viên bột đã nặn cách xa nhau ra để khi hấp bánh không bị dính vào nhau. Hấp khoảng 15 - 20 phút đến khi bánh chín có màu trắng đục là được, lấy bánh ra để thật nguội rồi đem chiên ngập dầu cho bánh vàng đều, giòn.
Sau khi xong bánh ram ta tiếp tục làm bánh ít, cách nhồi bột giống như bánh ram nhưng khi bột dẻo mịn rồi lấy khăn đậy bột lại ủ khoảng 15 phút. Tôm, thịt ba chỉ trùng qua nước sôi rồi lột vỏ tôm, cắt hạt lựu, thịt ba chỉ cũng cắt hạt lựu. Sau đó phi thơm một ít tỏi băm rồi cho tôm thịt vào xào, nêm gia vị vừa ăn, chờ thịt tôm thấm gia vị tắt lửa nhắc xuống trút ra tô.
Sau khi làm xong khâu chuẩn bị, ta lấy một thìa cà phê nhân tôm thịt cho vào giữa viên bột đã nặn vo tròn lại như bánh trôi nước.
Bánh ít để nguội đặt lên bánh ram rồi miết xuống cho hai loại bánh dính chặt vào nhau, khi ăn sẽ vừa có cảm giác mềm dai của bánh ít và giòn của bánh ram.
Cuối cùng là làm nước chấm, để làm nước chấm bánh ram ít thì cần lấy nước luộc tôm khô hòa với nước mắm ngon, đường, tỏi và ớt bằm thật nhuyễn, thêm vào một ít chanh hoặc giấm, khuấy đều. Nước chấm cần làm sao cho thật vừa và có đủ vị chua cay mặn và hơi ngọt một chút. Thậm chí nếu muốn đậm đà hơn thì cho hẳn tôm khô đã băm nhuyễn vào chén nước chấm, ngọt đậm và thơm thoang thoảng.
Cái hấp dẫn nhất của bánh ram ít chính là sự kết hợp giữa vị giòn tan, beo béo của bánh ram với vị thơm, dẻo rất đặc trưng của đậu và nếp của bánh ít và vị ngọt thanh cay cay của nước mắm.
Theo Dương Thị Loan (Món ngon Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét